Tọa đàm “Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng Việt Nam”
- Thứ ba - 07/05/2024 08:15
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chiều 4/4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tọa đàm “Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Chủ trì buổi tọa đàm gồm Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo. Tham dự tọa đàm gồm đại diện lãnh đạo Cục Lâm nghiệp, đại diện chủ rừng và các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực liên quan đến phát huy từng giá trị của hệ sinh thái rừng.
Theo ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, sứ mệnh mới của rừng Việt Nam bước sang giai đoạn mới là vừa phải đảm bảo kinh tế, xã hội, môi trường và sinh kế của người dân, đặc biệt là không gian sống của 20 triệu đồng bào vùng sâu vùng xa.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan sau quá trình tìm hiểu ở nước ngoài đã gợi mở cho Tổng cục Lâm nghiệp (nay là Cục lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm) tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng Việt Nam (Đề án). Trên thực tế, tư tưởng này đã được triển khai ở các chương trình đơn lẻ trước đây như phát triển giá trị lâm sản ngoài gỗ, triển khai dịch vụ môi trường rừng hay phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên, để tích hợp trong một không gian đa giá trị và tính toán để vừa cân bằng giá trị kinh tế xã hội và môi trường chính là tư tưởng mới của Đề án.
Tư tưởng này cũng trùng với chủ đề "Rừng và đổi mới sáng tạo, một giải pháp mới cho thế giới tốt đẹp hơn" nhân Ngày Quốc tế về rừng do Liên Hợp Quốc khởi xướng vào ngày 21/3/2024. Tư tưởng này cũng khẳng định giá trị của gỗ không chỉ là đơn thuần cung cấp, mà còn thay thế vật liệu nhựa trong tương lai, các giải pháp về chữa lành, đặc biệt là các giải pháp trong các công trình xây dựng lưu trữ các-bon.
Đến tham dự và phát biểu tại Tọa đàm, nguyên Thứ trưởng Hà Công Tuấn đánh giá cao và chúc mừng Bộ trưởng Lê Minh Hoan với sáng kiến phát triển đa giá trị rừng. Với 05 nhóm giải pháp đề ra trong Đề án tương đối sâu rộng, song nên lựa chọn ra giải pháp động lực khả thi đến năm 2030. “Chúng ta không bỏ được giá trị của lâm sản, không khai thác rừng tự nhiên nhưng phải nâng cao chất lượng rừng”, nguyên Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo ông Tuấn, hướng đi vẫn phải là rừng gỗ lớn. Ngành lâm nghiệp cần kiên trì và thực hiện quản trị theo quy định của pháp luật và truy xuất nguồn gốc, cần đẩy nhanh chứng chỉ rừng của Việt Nam, thực hiện tốt tiêu chuẩn sản xuất lâm nghiệp của Việt Nam.
Nói về căn nguyên của Đề án, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết ý tưởng xuất phát nhân chuyến công tác, đi thăm rừng ở Phần Lan và thấy sản phẩm bán trong rừng là muối thảo dược, tính đa dụng ở đây còn là sự kết nối giữa rừng với biển. Từ đó, Bộ trưởng đứng ngoài quan sát và tìm cách làm thế nào để gắn kết cấu trúc hệ sinh thái rừng lại, từ ban quản lý rừng, lực lượng kiểm lâm, cộng đồng dân tộc sống dưới tán rừng, người làm du lịch, người trồng rừng, khai thác gỗ để tránh xảy ra xung đột lợi ích từ rừng trong không gian rừng.
‘Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng’ hứa hẹn mở ra kho báu từ rừng. Và kho báu lớn nhất, không chỉ là nguồn lợi, là tài nguyên, mà hơn hết, chính là tư duy mở: cùng trân trọng, nâng niu, vun đắp từng giá trị của rừng, để rừng mãi lên xanh, tỏa bóng mát cho thế hệ mai sau.
(Nguồn: Bộ Nông nghiệp và PTNT)