Vai trò giữ nước, bảo vệ đất của hệ sinh thái rừng
- Thứ hai - 23/09/2024 09:02
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Rừng có hai giá trị lớn nhất, đó là giá trị kinh tế và giá trị môi trường. Giá trị kinh tế có thể dễ dàng được nhìn thấy thông qua việc cung cấp gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Trong khi đó, giá trị môi trường thông qua tác dụng điều hòa không khí, chống biến đổi khí hậu và hiệu ứng nhà kính, bảo tồn nguồn gen cũng như đa dạng sinh học.
Một trong những giá trị nổi bật của rừng là khả năng giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt là lũ lụt và sạt lở đất, nhờ vào khả năng lưu giữ nước mưa, điều hòa dòng chảy của lớp thảm thực vật rừng.
Như chúng ta biết, nước mưa là nguồn tài nguyên quý giá mà thiên nhiên cung cấp cho con người. Tuy nhiên, sự bất thường và khắc nghiệt của thời tiết cũng khiến nước mưa trở thành nguồn gốc của nhiều thảm họa. Những trận mưa lớn gây ngập lụt và lở đất làm hư hại nhà cửa, kết cấu hạ tầng và gây thiệt hại đến tính mạng người dân.
Nghiêm trọng hơn, những cơn bão nhiệt đới kết hợp với mưa lớn đôi khi gây ra những hậu quả thảm khốc, để lại những vết thương khó lành cho cộng đồng. Bài viết này nhằm giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về vai trò quan trọng của rừng trong việc lưu giữ nước mưa, qua đó hạn chế lũ lụt và lở đất.
Hệ sinh thái rừng bao gồm tập hợp các cây xanh mọc tập trung trên một diện tích lớn, đây là sinh cảnh cho các loài động vật và vi sinh vật tồn tại và phát triển. Trước khi đi sâu vào vai trò lưu giữ nước mưa của rừng, cần tìm hiểu trước cơ chế lưu giữ nước mưa của từng cây rừng.
Quá trình này bao gồm các cơ chế sinh học và vật lý mà cây sử dụng để hấp thụ, lưu giữ và phân phối nước từ mưa. Khi mưa rơi xuống, tán cây đóng vai trò là "bộ lọc" đầu tiên. Tán cây với các lớp lá dày đặc có khả năng giữ lại một phần nước mưa, làm chậm quá trình và giảm nhẹ sức nặng của nước rơi xuống đất.
Lượng nước này có thể bám trên bề mặt lá và cành, sau đó dần dần bốc hơi trở lại không khí thông qua quá trình thoát hơi nước; một phần nước mưa sẽ rơi từ tán cây xuống thân cây. Thân cây, đặc biệt ở những loài cây gỗ lớn, có khả năng dẫn nước xuống đất một cách hiệu quả mà không gây xói mòn.
Hệ rễ của cây rừng là bộ phận quan trọng nhất trong việc hấp thụ và lưu giữ nước. Các rễ cây phát triển sâu và rộng giúp hấp thụ nước từ đất và duy trì độ ẩm cho cây. Đặc biệt, hệ rễ cây còn giúp nước mưa thấm từ từ xuống các tầng đất sâu hơn, từ đó bổ sung cho mạch nước ngầm.
Đồng thời, rễ cây đan xen vào nhau giúp giữ đất, ngăn ngừa xói mòn, duy trì độ ẩm cần thiết cho cây và thảm thực vật khác trong rừng. Dưới tán cây và xung quanh rễ là lớp mùn hữu cơ, gồm lá rụng, cành khô và các vật chất sinh học phân hủy.
Lớp thảm mục này đóng vai trò như một “miếng bọt biển tự nhiên”, giúp giữ nước mưa, ngăn chặn sự bay hơi nhanh chóng.
Chu trình lưu giữ nước mưa của hệ sinh thái rừng diễn ra tuần tự và chặt chẽ, bắt đầu từ tán cây, qua thân cây và cuối cùng tới rễ cây và thảm thực vật hệ sinh thái. Nhờ sự phối hợp hài hòa giữa các bộ phận tán, thân, và rễ, cây rừng có thể lưu giữ và điều hòa dòng chảy một cách hiệu quả.
Hãy tưởng tượng bạn đang ở trong một khu rừng. Bạn sẽ nhìn thấy các lớp cây cao, bụi cây và thực vật xung quanh, có những cây cao vươn lên bầu trời trong khi những cây khác nằm sát mặt đất. Bạn cũng nhìn thấy nhiều luồng ánh sáng xuyên qua các tầng lá, vẽ nên những hoa văn loang lổ trên mặt đất, trong khi tiếng gió rì rào qua tán cây như đang thầm thì một bí mật.
Cho dù bạn là người không am hiểu nhiều về khoa học rừng, bạn vẫn có thể cảm nhận rằng những lớp cây này phải đóng một vai trò quan trọng trong quá trình lưu giữ nước mưa.
Có điều gì đó hài hòa và kỳ diệu trong cách thiên nhiên tạo ra những khu rừng tự nhiên nhiều tầng tán, nơi mà mỗi tầng đều đóng vai trò quan trọng khác nhau. Vậy câu hỏi đặt ra là có điều gì khác so với những khu rừng đơn giản, nơi chỉ có một tầng cây được gọi là rừng trồng thuần loài?
Việc so sánh giữa rừng đa tầng tán và rừng trồng thuần loài gợi lên hai hình ảnh khác biệt. Rừng đa tầng tán có nhiều loài cây khác nhau mọc ở các tầng cao thấp, từ cây bụi, cây nhỏ đến những cây cao lớn; khi rừng khép tán, không có khoảng trống giữa các cây.
Ngược lại, rừng trồng thuần loài thường được trồng cho mục đích kinh tế nên chỉ có một loài cây duy nhất trong lâm phần; các cây trong rừng thường được trồng theo một khoảng cách nhất định, cây được trồng cùng thời điểm nên có sự đồng nhất về tuổi và kích thước, chiều cao, bên cạnh đó là thảm thực vật nghèo nàn và hệ rễ cây kém đa dạng.
Cấu trúc rừng tự nhiên nhiệt đới thường được chia thành ba tầng chính, mỗi tầng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ nước mưa.
(1) Tầng ưu thế sinh thái hứng chịu lượng mưa, làm chậm quá trình hạt mưa rơi xuống đất, ngăn chặn hiện tượng xói mòn đất do mưa đổ trực tiếp và làm giảm lưu lượng nước chảy bề mặt.
(2) Tầng trung gian có vai trò trong việc tiếp tục giảm lượng nước mưa chảy xuống và giúp nước thẩm thấu vào đất, giữ độ ẩm cho đất.
(3) Tầng cây tái sinh, cỏ và thảm tươi như một "bể chứa nước" tự nhiên, có khả năng giữ lại nước mưa lâu hơn, ngăn nước chảy tràn trên bề mặt và cải thiện quá trình thấm nước vào đất, giúp duy trì độ ẩm đất để nuôi dưỡng sự sống và nâng cao lượng nước ngầm.
Các tầng tán này phối hợp với nhau để duy trì chu trình nước trong rừng, giúp ngăn chặn lũ lụt và giữ lại lượng nước cần thiết cho hệ sinh thái. Nhờ sự đa dạng về tầng tán, rừng tự nhiên giữ nước tốt, ngăn chặn dòng chảy mạnh gây lũ lụt và sạt lở.
Trong khi đó, rừng trồng thuần loài chỉ có một tầng cây do không có nhiều loại cây và thảm thực vật ở các tầng khác nhau, khi mưa rơi xuống, chỉ một lượng nhỏ nước được giữ lại bởi lá hoặc thân cây, còn lại là rơi trực tiếp xuống đất.
Điều này khiến nước chảy nhanh và mạnh hơn, đất có thể bị cuốn trôi, dễ gây ra lũ lụt và xói mòn đất; trong khi đó lượng nước ngấm và lưu giữ trong các bể nước ngầm là rất ít.
Nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đã khẳng định rừng tự nhiên với cấu trúc đa tầng tán có khả năng giữ nước tốt hơn rừng trồng thuần loài. Rừng tự nhiên giảm đáng kể dòng chảy bề mặt và tăng khả năng thấm nước vào đất so với rừng trồng hoặc khu vực chỉ có cỏ và cây bụi.
Độ che phủ cao của rừng tự nhiên giúp ngăn chặn một phần lớn nước mưa, giảm thiểu nguy cơ xói mòn đất và lũ lụt, đặc biệt ở vùng đồi núi dốc. Khi độ che phủ giảm, tình trạng xói mòn và dòng chảy bề mặt tăng lên đáng kể, dẫn đến các vấn đề lũ lụt và sạt lở.
So với 10 năm trước, tính đến cuối năm 2023, diện tích rừng Việt Nam đã tăng từ 13,9 triệu ha lên 14,86 triệu ha, và tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 41% lên 42,02%. Diện tích rừng trồng tăng từ 3,5 triệu ha lên 4,7 triệu ha, trong khi diện tích rừng tự nhiên giảm nhẹ từ 10,3 triệu ha xuống còn hơn 10,13 triệu ha.
Mặc dù những con số thống kê cho thấy một bức tranh tích cực, tuy nhiên phải nhìn nhận rằng, diện tích và chất lượng rừng tự nhiên chưa cao do sự tái sinh, phục hồi và diễn thế tự nhiên của các hệ sinh thái rừng tự nhiên vẫn cần một thời gian dài để có thể khôi phục sự cân bằng tự nhiên.
Dù vậy, nhờ vào các biện pháp quản lý hiệu quả và kịp thời, kết hợp những chương trình trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh được thực hiện một cách có kế hoạch, nhiều khu vực rừng tự nhiên đầu nguồn đã bắt đầu hồi sinh, với sự gia tăng đáng kể về cả diện tích và chất lượng.
Điều này không chỉ mang lại hy vọng về sự phục hồi bền vững của rừng tự nhiên mà còn mở ra triển vọng tích cực cho tương lai về khả năng giữ nước, bảo vệ đất của những rừng phòng hộ đầu nguồn.
Về mặt lý thuyết, suy giảm chất lượng rừng tự nhiên tại các khu vực đầu nguồn có thể tạo những khoảng trống lớn trong hệ sinh thái. Thiếu đi lớp tán cây bảo vệ, nước mưa dễ dàng thấm sâu xuống đất, làm gia tăng nguy cơ lũ lụt và sạt lở đất.
Gần đây, cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) đã để lại nhiều thiệt hại đáng kể, không chỉ ảnh hưởng đến nhà cửa và cơ sở hạ tầng mà còn đe dọa đến sự an toàn của người dân, đặc biệt ở những khu vực đầu nguồn.
Điều này chứng tỏ rằng việc duy trì ổn định cấu trúc tự nhiên phức tạp của rừng mang lại những lợi ích quan trọng trong việc giảm thiểu các tác động tiêu cực của thiên tai.
Những sự cố thiên tai này là bài học để chúng ta cùng nhau ngồi lại để suy nghĩ và nhìn nhận về vai trò thiết yếu của việc bảo vệ rừng tự nhiên đa tầng tán và định hướng phát triển lâm nghiệp bền vững nhằm ứng phó với thiên tai. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng và khó lường hơn, vai trò của rừng đa tầng tán không thể bị xem nhẹ. Những cánh rừng đa tầng tán sẽ như một “lá chắn” tự nhiên, không chỉ giúp lưu giữ nước mà còn ngăn ngừa lũ lụt và sạt lở đất, bảo vệ môi trường và cuộc sống của cộng đồng.
Với vai trò sinh thái quan trọng trong việc điều tiết nước mưa, giảm thiểu nguy cơ lũ lụt và sạt lở đất, rừng phòng hộ cần được ưu tiên bảo vệ và phát triển trong giai đoạn tới, đặc biệt tại những khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Công tác phục hồi, nâng cao diện tích và chất lượng rừng phòng hộ cần tập trung vào các lĩnh vực chính sau: quy hoạch tổng thể, chọn loài cây phù hợp, xây dựng cấu trúc rừng đa tầng tán và phân bố không gian hợp lý.
Thứ nhất, đảm bảo duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định từ 42% đến 43%, đồng thời ổn định lâm phận kết hợp nâng cao chất lượng ba loại rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên. Việc quy hoạch rừng phòng hộ phải được thực hiện dựa trên cơ sở khoa học và phù hợp với điều kiện địa lý, khí hậu của từng vùng. Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn, phải ưu tiên những khu vực có nguy cơ cao về xói mòn và sạt lở đất, nơi mà khả năng giữ nước và ngăn lũ là thiết yếu do những khu vực có địa hình dốc và mưa lớn; điển hình như khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cần được bảo vệ, đặc biệt để ngăn chặn lũ quét và dòng chảy bề mặt gây xói mòn, trượt đất. Ở các vùng duyên hải, đặc biệt là khu vực miền Trung, việc quy hoạch các khu rừng phòng hộ chắn gió, chắn sóng là cũng rất quan trọng do những khu vực này không chỉ đối mặt với bão lớn mà còn chịu ảnh hưởng của hiện tượng xói lở bờ biển. Các khu rừng phòng hộ này được phân bố theo tuyến dài dọc bờ biển, tạo thành hàng rào tự nhiên để giảm thiểu tác động của gió bão, sóng biển và bảo vệ môi trường sống.
Thứ hai, chọn loài cây trồng trong rừng phòng hộ cần tập trung chọn tạo các giống cây bản địa, đặc biệt là những loài cây có hệ rễ phát triển mạnh, chịu được điều kiện khắc nghiệt như gió bão, mưa lớn. Những loài cây bản địa được lựa chọn phải có khả năng thích nghi tốt với môi trường, góp phần gia tăng tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng tự nhiên. Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn, ưu tiên lựa chọn các loài cây nhiệt đới có phân bố tự nhiên rộng, có hệ rễ sâu và khả năng giữ nước tốt. Ở vùng duyên hải, lựa chọn các loài cây chắn gió, sóng biển đảm bảo tăng cường khả năng chống chịu với mưa bão, sóng biển lớn.
Thứ ba, cấu trúc tự nhiên rừng phòng hộ nên được xây dựng theo mô hình đa tầng, đa loài nhằm tối ưu hóa các chức năng sinh thái, đặc biệt là khả năng lưu giữ nước và hạn chế xói mòn đất. Ở các khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn, cần tạo các lớp rừng với tầng cây cao kết hợp với các cây tầm trung và cây bụi ở tầng dưới.
Đối với rừng chắn gió, chắn sóng cần tập trung xây dựng các dải rừng dày và chặt với các loài cây có thân cứng, chịu được áp lực của gió mạnh, sóng tạo thành bức tường chắn tự nhiên bảo vệ đất đai, mùa màng và các công trình xây dựng. Ngoài ra, việc trồng xen kẽ các loài cây gỗ lớn và cây bụi có thể giúp tạo nên một hệ sinh thái đa tầng, giúp tăng cường khả năng chống chọi với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt và duy trì sự bền vững lâu dài cho rừng phòng hộ.
Bài học từ sự kiên nhẫn và sự hòa hợp với thiên nhiên mà rừng đa tầng tán mang lại chính là minh chứng về trí tuệ và sự hiểu biết sâu sắc mà chúng ta cần trân trọng.
Thứ tư, tổ chức phân bố không gian rừng phòng hộ cần đảm bảo tính kết nối liên tục giữa các khu rừng, tạo ra những hành lang sinh thái giúp bảo vệ toàn diện hệ sinh thái. Các khu vực phòng hộ đầu nguồn cần được kết nối với các khu rừng ven sông, tạo nên mạng lưới rừng bảo vệ liên hoàn nhằm tăng cường hiệu quả điều tiết nước và ngăn ngừa sạt lở. Ở các vùng duyên hải, rừng chắn gió, chắn sóng cần ưu tiên bố trí dọc theo các tuyến bờ biển và khu vực có nguy cơ cao về xâm nhập mặn với phân bố hợp lý để tối ưu hóa hiệu quả chắn gió và bảo vệ bờ biển khỏi xói lở.
Ngoài ra, công tác làm giàu rừng phòng hộ cần được thúc đẩy thông qua việc trồng bổ sung các loài cây bản địa kết hợp với khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên nhằm phục hồi những khu vực rừng bị suy thoái và tăng cường tính đa dạng sinh học, qua đó cải thiện cấu trúc rừng và nâng cao khả năng bảo vệ đất, ngăn chặn lũ lụt và sạt lở.
Bài học từ sự kiên nhẫn và sự hòa hợp với thiên nhiên mà rừng đa tầng tán mang lại chính là minh chứng về trí tuệ và sự hiểu biết sâu sắc mà chúng ta cần trân trọng. Để đảm bảo nguồn sống bền vững cho các thế hệ mai sau, việc bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái rừng đa tầng tán là nhiệm vụ cấp bách và thiết yếu. Chúng ta cần chung tay hành động, bảo vệ rừng và duy trì sự cân bằng tự nhiên, không chỉ vì lợi ích của hiện tại mà còn vì tương lai cho các thế hệ mai sau.
Nội dung:
Trần Quang Bảo – Phạm Duy Long
Thiết kế: Trương Khánh Thiện
Ảnh: TL