Hội thảo do Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) và Bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc ngành hàng Dầu cọ và Cà phê, IDH đồng chủ trì. Đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU), Bộ Ngoại giao Hà Lan, Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), chính quyền, sở ban ngành cấp TW và các tỉnh Tây Nguyên, các hiệp hội và doanh nghiệp ngành cà phê, các tổ chức phát triển trong nước và quốc tế đã đến tham dự buổi lễ và thông qua hình thức trực tuyến.
Quy định chống mất rừng và suy thoái rừng (EUDR) được EU ban hành vào tháng 6/2023 đã đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt về minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc và cam kết không phá rừng, không suy thoái rừng trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp gồm 7 ngành hàng trong đó có 3 ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gồm cà phê, gỗ và cao su. Việc tuân thủ EUDR không chỉ là thách thức, mà còn là cơ hội để các ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nâng cao uy tín, giá trị và vị thế trên trường quốc tế. Đối với ngành hàng cà phê, một trong những giải pháp then chốt tuân thủ EUDR chính là việc xây dựng một hệ thống Cơ sở dữ liệu rừng và vùng trồng cà phê đầy đủ, chính xác và minh bạch.
Chia sẻ tại buổi lễ, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho biết: Với sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng, sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của các tổ chức quốc tế như IDH, cùng sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và bà con nông dân, chương trình thí điểm đã hoàn thành các mục tiêu quan trọng bao gồm Hệ thống cơ sở dữ liệu rừng và vùng trồng cà phê tuân thủ EUDR tại 4 huyện thí điểm. Đây là một trong những công cụ hữu hiệu để chúng ta chứng minh với các đối tác quốc tế rằng cà phê Việt Nam là sản phẩm không liên quan đến phá rừng, đáp ứng yêu cầu của EUDR; gia tăng khả năng cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên trường quốc tế. Hệ thống CSDL này không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng quy định EUDR mà sẵn sàng mở rộng cho các ngành hàng khác như cao su, hồ tiêu, sầu riêng v.v. Đây cũng là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên rừng và phát triển nông nghiệp bền vững.
Với việc huy động nguồn lực và dữ liệu sẵn có từ các bên, bao gồm khối công, tư và nông hộ trồng cà phê, Hệ thống CSDL rừng và vùng trồng cà phê được xây dựng một cách hiệu quả về chi phí. Hệ thống cung cấp bộ mã địa chính thống nhất cho từng vườn cây và nông hộ, kèm theo thông tin chi tiết về cây trồng. Nhờ đó, hệ thống đạt được tính đồng bộ cao và hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu giải trình thông tin cũng như truy xuất nguồn gốc theo quy định của EUDR.
Theo bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc Ngành hàng Cà phê và Dầu cọ (IDH), hệ thống cơ sở dữ liệu rừng và vùng trồng cà phê tuân thủ EUDR là kết quả sau hơn 1 năm thử nghiệm ở tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk. Trong đó, đã thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu 130.000ha rừng và 136.000ha cà phê tại 4 huyện sản xuất cà phê lớn nhất tại Lâm Đồng và Đắk Lắk. Tỉnh Gia Lai là tỉnh thứ 3 tham gia vào dự án thu thập cơ sở dữ liệu, kết hợp sử dụng hệ thống CSDL quốc gia để tiếp tục thu thập dữ liệu cho 30.000ha rừng và 4.000ha cà phê.
"IDH rất tự hào khi giữ vai trò dẫn dắt trong việc phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu này, đây là một nền tảng quan trọng trong việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững cho ngành cà phê Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan không chỉ tiếp tục chia sẻ, bổ sung dữ liệu để xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia hoàn chỉnh, được cập nhật hàng năm, mà còn tận dụng cơ sở dữ liệu này để đánh giá, triển khai các chiến lược giảm thiểu rủi ro, chủ động đáp ứng trước các yêu cầu mới từ thị trường quốc tế như phát thải thấp, sự thịnh vượng của nông dân và không gây mất rừng”, Bà Trần Quỳnh Chi chia sẻ.
Tháng 11/2024, Liên minh Châu Âu công bố quyết định lùi thời gian áp dụng EUDR đến tháng 12/2025. Theo Bà Mara Grimminger, Trợ lý Quan hệ Quốc tế, Tổng vụ Môi trường, Ủy ban Châu Âu phát biểu tại buổi lễ, việc ra mắt Hệ thống Cơ sở Dữ liệu Rừng và Vùng trồng Cà phê đánh dấu một bước quan trọng hướng tới việc tuân thủ EUDR tại Việt Nam. Thời gian được đề xuất kéo dài nhằm đảm bảo rằng các ngành công nghiệp và các đối tác toàn cầu, như Việt Nam, có sự chuẩn bị đầy đủ trước khi Quy định có hiệu lực, tạo điều kiện cho một quá trình triển khai suôn sẻ và hiệu quả. Cơ hội này cần được tận dụng để chuẩn bị, thực hiện các hành động cụ thể và đáp ứng hiệu quả các yêu cầu của EUDR, mở đường cho một tương lai bền vững của ngành cà phê Việt Nam”.
Giai đoạn mở rộng từ tháng 1/2025 sẽ tập trung vào thí điểm và nhân rộng hệ thống truy xuất nguồn gốc cà phê từ nông hộ đến cấp huyện, tỉnh, đồng thời nâng cấp hạ tầng, tích hợp thông tin vùng trồng và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia của ngành trồng trọt do Bộ NN-PTNT quản lý và vận hành. Các hoạt động sẽ được tiếp tục thực hiện thông qua hợp tác công-tư giữa chính quyền các cấp, doanh nghiệp, nông hộ và các tổ chức quốc tế.
Ông Kaj van de Vorstenbosch, Phòng Biến đổi Khí hậu, Bộ Ngoại giao Hà Lan nhận định, việc triển khai hiệu quả EUDR tại Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường EU, bao gồm cả thị trường Hà Lan, đồng thời thúc đẩy sản xuất bền vững và không mất rừng. Việc phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu này là một bước đi quan trọng trong quá trình này, cung cấp một giải pháp hiệu quả và toàn diện nhằm hỗ trợ tính minh bạch, sự tham gia của các nông hộ nhỏ và khả năng đáp ứng yêu cầu với chi phí thấp. Với mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Hà Lan và Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta, thông qua vai trò kết nối công-tư của các tổ chức như IDH, có thể thúc đẩy những bước tiến có ý nghĩa, đảm bảo một tương lai bền vững cho ngành cà phê Việt Nam.
Tại buổi lễ, Nhóm Hợp tác thích ứng EUDR đã chính thức bàn giao Hệ thống cơ sở dữ liệu rừng và Vùng trồng cà phê cho Bộ NN-PTNT để nhân rộng ra các vùng sản xuất cà phê khác và các ngành hàng chịu ảnh hưởng khác trên cả nước.
Nguồn: V.A (mard.gov.vn)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn