Hội nghị có sự tham dự của gần 190 đại biểu đến từ Cục Lâm nghiệp, Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của hơn 50 tỉnh trên cả nước và đại diện bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng (EVN), tổ chức quốc tế, tư vấn liên quan.
Ngày 18/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp (Nghị định số 91/2024/NĐ-CP), trong đó có một số quy định mới về chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Các điểm sửa đổi, bổ sung mới này được đánh giá là đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai chính sách thời gian qua.
Nghị định số 91/2024/NĐ-CP đã làm rõ hơn đối tượng phải chi trả tiền DVMTR, cụ thể đã bổ sung danh mục các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước, đồng thời xác định các đơn vị kinh doanh du lịch sinh thái nghỉ dưỡng có vị trí nằm trong hoặc tiếp giáp với khu rừng có cung ứng DVMTR là bên sử dụng DVMTR và phải thực hiện chi trả tiền DVMTR.
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và cơ sở nuôi trồng thủy sản có thể thực hiện chi trả trực tiếp cho bên cung ứng DVMTR hoặc nộp tiền DVMTR ủy thác thông qua Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, UBND tỉnh quyết định mức chi trả cụ thể (tối thiểu bằng 1% tổng doanh thu thực hiện trong kỳ) thay vì chỉ thực hiện hình thức chi trả trực tiếp như theo quy định trước đây tại khoản 4, 5 Điều 59 của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP.
Về quản lý, sử dụng nguồn thu tiền DVMTR, Nghị định số 91/2024/NĐ-CP đã bổ sung một số nội dung chi không thường xuyên đối với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh. Bên cạnh đó cũng mở rộng nội dung chi của chủ rừng là tổ chức (trừ doanh nghiệp), như được sử dụng nguồn tiền DVMTR để chi trả lương và các khoản có tính chất lương cho đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước trường hợp ngân sách nhà nước chưa đảm bảo đầy đủ.
Nghị định số 91/2024/NĐ-CP cũng đã giúp các chủ rừng có căn cứ rõ ràng hơn trong việc xác định nguồn thu để thực hiện các quy định pháp luật về tài chính, đặc biệt là nghĩa vụ thuế với nhà nước. Theo đó, nguồn thu của chủ rừng là số tiền DVMTR nhận được cho diện tích rừng tự bảo vệ (không khoán bảo vệ rừng) hoặc 10% kinh phí quản lý (có khoán bảo vệ rừng) sau khi trừ chi phí cho các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ hội nghị, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam cũng chia sẻ thông tin chung về Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải khí nhà kính và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.
Đa số đại biểu nhận định rằng Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ra đời đã cơ bản giải quyết được nhiều bất cập thời gian qua, đặc biệt đối với các chủ rừng là tổ chức, từ đó sẽ góp phần thúc đẩy tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách chi trả DVMTR trong tương lai.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam khẳng định: Mỗi bước tiến của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng sẽ là bước tiến của ngành lâm nghiệp.
Nghị định số 91/2024/NĐ-CP và Nghị định số 107/2022/NĐ-CP cũng sẽ thúc đẩy mở ra cơ hội khai thác thêm những tiềm năng, giá trị đa dụng quý giá từ rừng, đặc biệt là giá trị về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng.
Ông Trần Quang Bảo cũng nhấn mạnh, các địa phương cần sớm rà soát, nghiên cứu, xác định cơ sở chi trả làm căn cứ trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách những đối tượng phải trả tiền DVMTR theo quy định, đảm bảo thu đúng, thu đủ, đảm bảo tính hiệu quả.
Trong thời gian tới, Cục Lâm nghiệp dự kiến sẽ trình phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2026 – 2030, trong đó sẽ tăng cường lồng ghép các chính sách góp phần bổ sung nguồn lực bền vững cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.
(Nguồn: Cục Lâm nghiệp)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn