Sáng 24/12 tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã tổ chức hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019. Đến dự và chủ trì Hội nghị có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn.
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2018, cả nước đã trồng 231.523ha, bằng 118,7% kế hoạch năm. Đối với trồng rừng thay thế, lũy kế đến nay, cả nước đã trồng được 58.879ha, đạt 87% tổng diện tích phải trồng. Diện tích trồng rừng ven biển năm 2018 là 2.400 ha, đạt 73% kế hoạch năm.
Sản lượng gỗ khai thác năm 2018 đạt 27,5 triệu m3, trong đó, từ rừng trồng tập trung là 18,5 triệu m3, tăng 3% so với năm 2017. Cây trồng phân tán và cây cao su tái canh khoảng 9 triệu m3, đáp ứng được khoảng 80% nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. Tổng doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ và lâm sản hiện có khoảng 4.500 đơn vị, với 1.863 doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào xuất khẩu, trong đó, khối FDI có trên 700 doanh nghiệp, đã hình thành ngành công nghiệp chế biến gỗ lớn mạnh về quy mô và trình độ công nghệ.
Giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2018 đạt 9,308 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017, chiếm hơn 23% giá trị xuất khẩu của các ngành hàng thuộc ngành NN&PTNT. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 8,787 tỷ USD, chiếm 95% giá trị. Đặc biệt, giá trị xuất siêu lâm sản cả năm đạt 6,99 tỷ USD, chiểm 85% giá trị xuất siêu của toàn ngành…
Năm 2018, cả nước thu được hơn 2.859 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 122,7% kế hoạch năm 2018 và tăng 68% so với năm 2017.
Ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng Cục Lâm nghiệp) cho biết, trong năm 2018 đã phát hiện trên 12.900 vi phạm pháp luật về rừng, giảm 3.500 vụ so với năm 2017. Trong số vi phạm này có 1.727 vụ phá rừng trái phép (giảm 440 vụ). Diện tích rừng bị thiệt hại là 936 ha, giảm 515 ha (tương ứng giảm 35%). Các hành vi, vụ việc vi phạm đã giảm cả về số lượng và quy mô.
Theo Cục Kiểm lâm, tổng số vụ vi phạm đã được xử lý là 11.289 vụ trong đó xử phạt hành chính 10.900 vụ, giảm 3.077 vụ (tương ứng 22%) với năm 2017. Xử lý hình sự 363 vụ tăng 51 vụ (tăng 16%) so với năm 2017. Tịch thu 16.027 m3 gỗ các loại (giảm 7% so với năm 2017); thu nộp ngân sách Nhà nước 143 tỷ đồng.
Về vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật, đã phát hiện 4.967 vụ vận chuyển, mua bán trái pháp luật gỗ và lâm sản (giảm 25% so với cùng 2017), tịch thu 16.027 m3 trong đó 7.236 m3 gỗ tròn; 8.791m3 gỗ xẻ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, ngành lâm nghiệp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại một số địa phương chưa được quan tâm, bố trí đủ vốn. Nhiều địa phương chưa tích cực chỉ đạo trồng rừng thâm canh và chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn và trồng rừng có chứng chỉ. Công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tuy đã có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn những điểm nóng về phá rừng gây dư luận không tốt trong xã hội.
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Biến đổi khí hậu đang là thách thức lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt. Trong các giải pháp về ứng phó biến đổi khí hậu thì rừng là giải pháp cốt lõi, tổng thể nhất. Nên công tác lâm nghiệp phải gắn với việc đó”.
Theo Bộ trưởng, năm 2018 là năm bản lề để triển khai Luật Lâm nghiệp mới sửa đổi. Cùng với đó, để phát triển được ngành lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì “rừng phải xác định đúng nghĩa rừng vàng, phát huy được nhiều sản vật và tiềm năng khác”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng yêu cầu ngành Lâm nghiệp trong năm 2019 tập trung giải quyết các vụ vi phạm về phá rừng, bảo vệ tốt khu vực rừng Tây Bắc, Tây Nguyên và phát triển rừng ven biển. Để thực hiện tốt Luật Lâm nghiệp, Bộ trưởng cũng yêu cầu ngành thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc gỗ thật minh bạch. Cùng với đó rà soát, đánh giá lại việc thực hiện “Đề án 866” về Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020.
Năm 2019, ngành lâm nghiệp đặt ra mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 41,85%, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5,5-6%, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt từ 10,5 tỷ USD. Bảo vệ và phát triển bền vững đối với 100% diện tích rừng hiện có, ngăn chặn và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, giảm ít nhất 10% số vụ vi phạm và giảm ít nhất 20% diện tích rừng bị thiệt hại so với năm 2018…
Để đạt được mục tiêu đặt ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, ngành lâm nghiệp sẽ xây dựng và tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, triển khai tích cực chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 (Quyết định 886). Trong đó, tổ chức thực hiện Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành luật một cách kịp thời, có hiệu quả. Tập trung tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy trồng rừng ven biển. Triển khai nhân rộng các mô hình liên doanh, liên kết, quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng. Thực hiện nghiêm túc kế hoạch của Hiệp định VPA/FLEGT.
BBT tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn